Thời còn trẻ dì Tứ là một cô gái xinh đẹp, gương mặt đoan trang, da trắng nõn nà, lông mày lá liễu, dáng hình yểu điệu.
Năm dì Tứ 15 tuổi, cha mẹ bằng lòng cho bà mối nối duyên dì với một người con trai ở thôn bên. Thời ấy, nam nữ trước khi kết hôn đều không được biết mặt nhau. Vì thế, dì Tứ không hề biết người đàn ông là chồng tương lai của mình dáng vẻ ra sao, chỉ nghe cha mẹ nói, đó là một người làm nghề thợ mộc, trung hậu, thật thà, khá giàu có.
Tối động phòng, dì Tứ mới biết chồng mình là một anh thọt, dáng đi lệch nghiêng về một bên. Trong tưởng tượng của dì, chồng của mình là một thanh niên cao to, khỏe mạnh. Bây giờ nhìn thấy người đàn ông trước mặt mình, dì khóc òa lên.
Dì khóc đến quá nửa đêm. Những lời khuyên của người chồng thọt đều không lọt vào tai dì một từ nào.
Bỗng người chồng thọt cũng òa lên khóc. Tiếng khóc của anh ta nghe rất thảm thiết, khiến dì Tứ phải cất tiếng hỏi: - Anh khóc cái gì?
Người đàn ông thọt nói: - Tôi được cha mẹ sinh ra có dáng hình như thế này, tôi tự thấy mình cũng đau khổ lắm. Nghe em khóc, tôi càng đau đớn hơn. Tôi biết, em lấy tôi là làm ơn cho tôi nhưng tôi cũng đau đớn thay cho em.
Sau hôn lễ, dì Tứ mới hiểu lòng tốt của anh thọt. Anh ăn ở rất biết điều và rất biết chiều dì Tứ: Mùa đông, đôi gót sen của dì được ủ trong đệm êm, chăn ấm. Mùa hè, dì được ngủ yên tĩnh, anh thọt thức suốt đêm quạt muỗi cho dì. Việc đồng áng trồng trọt hoa màu, anh thọt cũng không để cho dì phải làm. Việc may vá, giặt giũ trong nhà cũng một tay anh thọt làm hết cả.
Anh thọt làm nghề mộc rất giỏi, có nhiều người đến mời anh đóng đồ, làm nhà cho họ. Mỗi khi đi làm xa, lần nào cũng như lần nào, cứ mười ngày, nửa tháng, anh thọt lại lưng đeo túi mang tiền về nhà. Anh thọt không tiêu tiền hoang phí, trừ việc mua quà cho dì Tứ như mảnh vải hoa, chiếc khăn đội đầu... Số tiền còn lại, anh đều đưa cho dì Tứ.
Mùa đông năm ấy, dì Tứ mắc căn bệnh đau dữ dội ở vùng thắt lưng. Anh thọt mời hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác nhưng họ đều không chẩn đoán ra bệnh của dì Tứ. Suốt 5 ngày 5 đêm, anh thọt không hề chợp mắt. Nhìn dì Tứ đau đớn như thế, anh không sao chịu đựng được, lòng anh đau như dao cắt. Suốt đêm trong gió tuyết, anh thức trông nom dì Tứ. Khi dì đau quá, anh vội cõng dì vượt qua bão tuyết tìm thầy chữa bệnh cho dì. Anh vừa chạy vừa kêu lớn: “Thầy thuốc, cứu... cứu... cứu tôi với!”.
Không một ai đến cứu, anh thọt chân đăm đá chân chiêu. Sau khi chạy hai, ba dặm, dì Tứ bỗng nói: - Anh thọt, anh thọt ơi, bệnh của tôi khỏi rồi. Anh thọt nửa tin nửa ngờ đặt dì Tứ xuống. Dưới ánh sáng của tuyết, anh thấy sắc mặt dì Tứ quả nhiên tươi tỉnh hẳn.
- Tứ ơi, em mà gặp điều chẳng lành thì anh cũng không sống nổi đâu!
Dì Tứ bị đau là do dì bị sỏi thận. Khi anh thọt cõng dì Tứ chạy, do vận động mạnh, viên sỏi bị thay đổi vị trí nên dì Tứ hết đau.
Tưởng rằng hạnh phúc đến với anh thọt lâu dài, nào ngờ anh thọt thật đoản mệnh. Trong một lần làm nhà cho người ta, khi trèo lên xà nhà, không may, anh bị rơi từ trên cao xuống. Khi anh sắp tắt thở, mọi người gọi dì Tứ đến, dì Tứ quỳ xuống ôm lấy đầu anh khóc và nói:
- Anh thọt ơi, anh không thể chết được anh ơi. Anh chết, em cũng không sống nữa đâu.
Anh thọt dùng chút sức lực còn lại cuối cùng, nói với dì Tứ:
- Tứ ơi, em đừng nói hồ đồ thế. Em phải sống, chúng ta chỉ mới sống một đoạn đời ngắn ngủi thôi mà.
Dì Tứ gật đầu:
- Anh thọt, đợi em với. Kiếp sau em vẫn lấy anh.
Năm đó, dì Tứ 40 tuổi và dì vẫn sống cô đơn cho đến nay, khi đã bước sang tuổi 70. Khi răng đã bắt đầu rụng, dì Tứ nói:
- Tôi vẫn nằm mộng thấy anh thọt. Anh ấy vẫn về và khẳng định với tôi: Ở bên đó, anh vẫn đợi tôi!