Cõi ma - vẫn từ xưa tới nay là một thách đố lớn với trí tuệ và cả tâm linh con người. Thật và ảo, tin và ngờ, tất cả in hằn trong mỗi câu chuyện về ma. Thuở bé, vẫn thường nghe những người Tàu chôn của - thần giữ của, rồi thì thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề. Ðêm mưa mấy đứa trẻ con ngồi trong nhà chơi với nhau, có gì mừng quá thường vỗ tay, tức khắc bị người lớn mắng "Chúng mày vỗ tay gọi ma vào nhà hả?". Cả lũ mặt xám lại ngồi im thin thít. Ðược một lúc mãi chơi nguôi nguôi cơn sợ lúc nãy, mấy đứa xoay ra thi huýt sáo to. Người lớn quá: "Huýt sao rủ ma đi chơi có phải không?". Thế là tàn chuyện, chẳng đứa nào còn muốn chơi gì nữa, thế là kéo nhau đi ngủ. Nào đã yên, một cô nào đỏm dáng ra soi gương chải đầu chẳng qua sợ tóc ngày mai bị rối, đột nhiên chạy vôi vào giường trùm chăn kín mít vì nghe người lớn nói "chải đầu cho ma xem". Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, chẳng biết ma nó như thế nào mà người lớn lại phải kiêng đủ thứ để tránh ma...
Lớn dần lên, đêm đã biết chạy nhong nhong ra ngoài vườn nghịch. Thấy đom đóm lập loè lại sợ lửa ma trơi. Bắt đầu ngồi nghe người lớn kể chuyện ma, càng sợ lại càng thích, nghe rồi chẳng dám ra sân đi tè. Vậy mà vẫn háo hức làm sao, hấp dẫn làm sao cái cảnh ngồi quanh đống lửa đun bánh chưng mà nói chuyện rùng mình. Thế rồi lại càng lớn lên nữa, bắt đầu vớ phải quyển sách gì thì đọc quyển ấy. Và, ... ở trong đó cũng thấy có ma...
Tôi không thể nhớ tôi đọc truyện ma lần đầu tiên vào năm bao nhiêu tuổi, nhưng tôi nhớ rất rõ đó là truyện Me ranh càn sát trong cuốn Tang thương ngãy lục. Câu chuyện ám ảnh tới mức mãi sau này cả chục năm tôi vẫn nhớ cái kết cục thập phần chua xót của nó. Cái sự chia tay của mẹ con nhà "mẹ ranh" dẫu có thế nào cũng vẫn là một cuộc khốc liệt giữa hai cõi âm dương. Một "đứa con ma" phải gửi ở trần gian, một "mẹ ranh" ngồi ở gốc cây đêm đêm chỉ nhắc con chớ ăn cá chép, ba ba. Họ nói với nhau về cái hạn nợ của cõi ấy... Có một cái gì đó giữa Mẹ ranh càn sát và những câu chuyện kể truyền miện vẫn cứ âm thầm trôi nổi trong dân gian. Nó cũng mông lung, cũng huyễn ảo nhưng lại rất gần với đời sống hàng ngày của mỗi người. Xóm nào chẳng có một vài cái gò, một vài cái mả hoang, cây gạo già xù xì ung bướu tới mùa chỉ rụng xuống dăm ba cái hoa mà màu thì cũng phai đi không còn được đỏ tươi như những hoa của cây khác. Nỗi sợ bắt đầu từ đó và dường như những câu chuyện ma cũng từ đó mà trôi nổi...
Kể từ cái ngày định mệnh đầu tiên ấy, chẳng biết có ăn phải bùa bả gì không mà tôi cứ lăn vào tìm đọc những truyện ma. Càn đọc lại càng mê. Trung HOa thì vời vợi một cụ Bồ Tùng Linh với Liêu Trai mà ma trong đó thì quá "người", còn người thì có khi lại "ma" hơn cả ma... Còn ở ta thì ông "trùm làng" ắt phải là Nguyễn Dữ, sau rồi thì tới TCHYA, rồi nữa thì vô thiên lủng. Văn nhân trong thiên hạ, hỏi ra ai cũng có lưng vốn dăm ba cái truyện ma. Từ một ông vua như Lê Thánh Tông cho đến ông đốc bồng Vũ Phương Ðề, từ người văn chương truân chuyên như Nguyễn Tuân cho đến lãng mạn và "Tây học" như Nhất Linh... tất thảy đều mắc vào cái "nghiệp" viết truyện ma.
Nhưng mà muôn hình vạn trạng nhất thì chẳng có ai bằng nổi dân gian, những câu chuyện cứ truyền từ tai người này sang tai người kia, mỗi lần lại thấy đổi đi một chút và vì thế dường như mỗi lần càng "thật" hơn một chút, dễ tin hơn một chút. Chỉ có điều nó cứ bồng bềnh, phù du như những gì mà nó nhắc tới. Ma trong dân gian luôn ở ngay cạnh người đẹp, dễ gặp và dễ làm người ta sợ. Khi thì một anh chàng về khuya gặp phải cô gái đi nhờ xe, càng đạp càng thấy nặng, ngoảnh lại hoá ra chở một cái bia đá đã lên rêu. Khi thì một người đi đêm gặp phải "ma mặt thớt" - thứ ma có mặt phẳng lì như cái thớt! - chạy một thôi dài mới gặp được chiếc xích lô, dọc đường bất giác nhắc lại chuyện vừa trải qua thì người đạp xích lô hỏi "Có phải mặt giống thế này không?". Thử trông xem hoá ra mặt của "người ấy" nào có mắt mũi gì đâu... Ngủ đêm trong bệnh viện thường nghe tới chuyện ma dựng giường, đi ngang nhà xác thì lại nhớ chuyện xác bị *** mèo nhảy qua tự nhiên chạy đuổi người. Có anh mua một căn nhà rẻ, sau về mới biết nhà có ma, đêm đêm vẫn thường rì rầm than khóc, lại còn hiện lên thành những bóng trắng đứng ở đầu giường, gọi tên, đòi nhà... Những câu chuyện như thế có thể nghe được ở bất cứ đâu, nhưng lạ thay người ta cứ kể ở chỗ này chỗ nọ mà cấm có khi nào được nhìn tận mắt cả, thành thử lại càng nửa tin nửa ngờ, càng sợ.
Ðọc truyện về ma, nghe chuyện về ma, viết về ma, ấy vẫn là những sự mà nhân thế thường làm. Vậy thì có ma không, người bảo có người bảo không, cứ u u minh minh đến lạ. Nhưng mà những thứ như thế lại cứ mê hoặc người ta ghê lắm. Vẫn biết đức Khổng có dạy "Quỷ thần nên kính, không nên gần", thế mà rồi thì người ta vẫn đọc truyện ma, vẫn kể chuyện ma cho nhau nghe, và cứ lâu lâu lại tìm thấy một truyện ma mới viết. Ðành làm một cái việc chẳng đặng đừng là tập hợp cả những chuyện đó lại, biết cái nào thì nhặt cái đó, cứ hay là được. Ðâu phải có ý đua chen, mà chẳng qua chỉ vì trót đã quá yêu Liêu Trai, quá say sưa Truyền kỳ mạn lục mà nên. Gọi là chơi thì chẳng ra chơi, gọi là việc cũng không ra việc. Tỉ mà tỉ mẩn nhặt nhạnh chỗ này chỗ kia, gặp gì cũng phải ngắm nghía, cứ tựa như ngồi trong lòng suối mà đếm cát. Thế mà cũng thấy nhiều sự linh ứng lạ. Vừa mới nghe một nhà văn già nói rằng ông Nhất Linh có cái truyện hay lắm, tự nghĩ chẳng biết tìm đâu ra; tối về tiện tay giở cuốn sách vừa được nhận lúc chiều là thấy truyện đó ngay lập tức. Lại tới lúc lặn lội tìm vào trong nhà một tác giả để lấy bằng được truyện của anh, đương dở chén nước thì bướm đen bay vào nhà chập chờn vài vòng rồi như đã trở thành vô ảnh. Rồi thì khi viết những dòng đầu của lời mở đầu này, nhện trắng sa xuống trước mặt, cứ luẩn quẩn mãi không đi. Viết tới đoạn không được vừa lòng thì gió thổi rèm cửa tung lên, trùm kím trang giấy... Chao ôi, dẫu chẳng phải có những kỳ ngộ như chuyện ở Trại Tây thì cũng là một sự lạ không thể không nhắc tới.
Viết tới đây thì gió lại chợt yên, mà khí chiều đã lạnh, tấm màn lộng lên lúc nãy giờ khe khẽ buông trùm xuống cửa sổ, tự biết đã tới lúc dừng bút. Cõi huyền hồ không phải là nơi để nấn ná lâu. Vài lời nói chơi cũng là một lời tựa cho chủ đề các truyện Ðêm Bướm Ma này.