"Y lấy cồn. Cũng chẳng được. Dù rất xót xe, y cũng buộc phải dùng dao lam để cạo. Nhưng y lạnh xương sống khi sơn bong ra hết rồi, vết máu vẫn còn. Y lô`ng lộn điên cuồng. Vết máu loang dài tựa như một dáng người. Phải ! Giống dáng của bà lão. Còng còng và run rẩy."
Vũ Tuấn Anh người Mộc Châu - Sơn La về Hà Nội từ năm 15 tuổi. Y được gia đình mua cho một ngôi nhà trong đê Thanh Lương và một chiếc TZM màu trắng.
Năm 17 tuổi, y quen Lê Hoàng, Ngô Tuấn, Cảnh Vinh, Hoàng Hoa lập thành băng NGŨ ĐẠI ĐẦU LÂU chuyên quậy phá, đua xe. Đến năm 19 tuổi, y và tay chân đã lừng danh nức tiếng. Giới trẻ Hà Nội nói chung và trường CVA nói riêng đều biết y cũng như cạ cứng của y. Chiếc TZM trắng là niệm kiêu hãnh của y. Y thường tự phong mình là Quan Vũ còn chiếc TZM là ngựa xích thố truy phong. Dân chơi Hà Nội phong y là "ông hoàng đường phố" với những cú bốc đầu băng qua đống lửa, bó vỉa tốc độ 60km/h thành góc 90 độ hay đi với tốc độ 100km/h qua giữa hai chiếc xe tải loại lớn cách nhau chưa đầy 1m. Y cưng chiếc TZM của mình còn hơn cả đối với Lê Hương - bồ của y.
Hai mươi tuổi, một lần, y đi uống rượu trên tầng 18 khách sạn Hà Nội Darwoo về trên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, y gây ra tai nạn.
Một bà già chừng 60 - 70 tuổi đang đi sang đường. Y nửa tỉnh nửa say không làm chủ được tốc độ. Bà lão văng ra lề đường chỗ phần đường phân giới. Y tỉnh ra. Giữ chặt tay lái. Đường lúc đó vắng. Y định dừng xe xem bà lão có sao không. Nhưng từ phía xa, một ánh đèn pha xe ô tô chiếu tới. Y hoảng hốt, rú ga lao vọt đi. Đồng hồ công tơ mét chỉ 140km/h. Đêm ấy y không tài nào ngủ được.
Sáng. Vũ Tuấn Anh chạy ngay ra sạp báo gần nhà. Mua một tờ Hà Nội mới. Ngấu nghiến đọc mục An ninh trật tự. Y căng thẳng tột độ. Liên tục giật mình thon thót với những "đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài"; "TZM"; "một bà lão". Nhưng tuyệt nhiên chẳng có mẩu tin nào dành cho y cả. Vũ thở phào một cái. Tuy nhiên, y còn phải mất một tuần nữa, để đọc báo.
*
Y từ chối cuộc diễn đêm với Lê Hoàng và Ngô Tuấn. Y cũng chẳng thiết tới quán Metal cùng Cảnh Vinh và Hoàng Hoa. Bỏ mặc Lê Hương - bồ của y giận dỗi khi y từ chối đèo tới phố Hàng Bồ ăn mực đêm. Y tắt đèn ngồi trong góc nhà và hút thuốc, điếu liên tiếp điếu.
Đến gần 10 giờ khuya, y dắt chiếc TZM ra cửa. Bỗng y nhận ra, ở đầu mũi xe một vệt máu loang dài. Y hoảng hốt. Dắt xe vào trong dùng khăn ẩm kỳ cọ.
Kinh dị thay, vệt máu không hết. Y lấy cồn. Cũng chẳng được. Dù rất xót xe, y cũng buộc lòng phải dùng dao lam để cạo. Nhưng y lạnh xương sống khi sơn bong ra hết rồi, vết máu vẫn còn. Y lô`ng lộn điên cuồng. Vết máu loang dài tựa như một dáng người. Phải ! Giống dáng của bà lão. Còng còng và run rẩy. Y ôm mặt khóc nấc lên. Y vò đầu bứt tai. Y chửi đổng. Phải ! Đề can, chỉ có đề can mới có thể. Y chạy ra hàng đề can T.Lan trên phố Cầu Gỗ.
Mua 100.000đ tiền đề can. Y mang về. Ngấu nghiến dán. Đến 7 lớp chồng lên nhau. Đêm ấy, y ngủ được một chút.
*
Y đèo Lê Hương. Chiếc TZM chạy với tốc độ 20km/h. Chầm chậm trên đường Thanh Niên, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học... Y chẳng mở lời.
Mặc Lê Hương lí lắc nói với y đủ thứ chuyện, kể với y những điều mà ngày thường y rất thích nghe. Nhưng giờ thì y mặc Hương chỉ những ô cửa của trường Phân viện Báo chí, y chẳng nói gì và rẽ trái định xuyên qua con đường mới sang Thanh Xuân. Nhưng xe lại rẽ phải. Y chợt thót mình khi nhận ra rẽ - phải - là - đường - cao - tốc Thăng Long Nội Bài. Y rú ga quay đầu xe. Nhưng không sao quay nổi. Chiếc xe lao vọt đi. Y hoảng loạn. Đi qua trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, tới đúng chỗ hôm 13 y gây tai nạn thì chiếc xe chết máy. Y gầm lên :
- Tại sao ?
Mặc Lê Hương ngơ ngác. Y bỗng há hốc mồm khi thấy cái xác bà lão vẫn nằm ở lề đường chỗ đường phân luồng. Đường đêm vắng. Y gào lên :
- Giúp anh kéo cái của nợ kia vào bụi cây ven đường. Nhanh lên !
Lê Hương mặt biến sắc nhìn y. Y gào lên lần thứ hai :
- Nhanh lên ! Mày có nghe tao nói gì không. Mau. Kéo cái của nợ đó đi chỗ khác. Không việc gì phải sợ như thế cả.
Lê Hương ôm chặt lấy y.
- Anh Tuấn Anh ! Anh làm sao vậy. Làm gì có cái...
Vũ trợn trừng mắt. Đôi con ngươi như muốn trồi cả ra. Y ngắt lời :
- Câm mõm ! Hãy giúp tao ngay và cấm hé môi nói với ai những gì mày trông thấy không tao sẽ giết mày.
Lê Hương hoảng loạn. Thị chẳng biết phải làm gì. Thị bỏ chạy. Vũ lẩm bẩm :
- Đồ đàn bà bẩn thỉu !
Và y tới. Hùng hục lôi cái xác hất vào bụi hoa găng bên lề bên kia đường. Xong xuôi, y phủi tay và phi xe đi mất. Quên rằng Lê Hương bồ của y đang ở đâu giờ này.
*
Y vung tay đấm vêu mõm Ngô Tuấn khi y thấy hắn lấy tay bóc đề can dán trên mũi xe của y.
Náo loạn cả sân tập Thể dục Thể hình. Cảnh Vinh hét :
- Anh em tương tàn nhau thế sao ? Chỉ vì một cái đề can...
Vũ bực tức. Y leo lên xe và bỏ đi trước sự ngơ ngác khó hiểu của Lê Hoàng, Cảnh Vinh, Ngô Tuấn và Hoàng Hoa.
*
Lê Hương khóc với Ngô Tuấn :
- Anh Tuấn Anh có vấn đề anh Tuấn ạ ! Em chẳng thể yêu y tiếp.
Ngô Tuấn gật đầu :
- Phải ! Nó đấm anh vều cả môi lên đây này. Chỉ vì cái đề can che vết cạo sơn xe.
Lê Hương ngã vào tay Ngô Tuấn :
- Sao anh không dạy cho y một bài học. Cái loại người rừng như y đâu đáng là chiến hữu của anh. Y lại mắc cả chứng bệnh hoang tưởng nữa. Dễ chừng một ngày, y tưởng cái đầu của anh là trái dưa hấu, y dễ bổ ra xem trong đó có cái gì không đấy !
Băng Ngũ Đại Đầu Lâu tan rã. Lũ học trò lớp 10 - 11 kh6ong còn lo bị xin đểu nữa. Đường phố bớt đi tiếng rú của năm chiếc xe cùng một lúc.
*
Lại nói đến Vũ. Y lang thang một mình trên đường phố Hà Nội. Đã gần một tuần rồi. Y đọc báo. Vẫn chưa thấy bào nào nhắc đến bà lão cả. Y càng nơm nớp hơn. Xe đi tốc độ 25km/h. Bỗng y nhận ra, mình lại lọt vào đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Y muốn quay xe nhưng không được. Tắt máy không xong. Y lẩm bẩm :
- Không thể thế được.
Chiếc xe bỗng khựng lại. Y kinh hoàng. Xác bà lão lại lăn ra lề đường nơi có ranh giới phân luồng. Y hoảng loạn. Chiếc xe đổ chổng kềnh. Y mặc. Y lao bổ ra cái xác. Kéo cái xác ném vào bụi găng lần nữa. Y vác viên đá to cỡ 30kg. Y đặt lên ngực bà lão. Y xoa hai tay vào nhau chắc mẩm xác bà lão chẳng thể nào lăn ra được nữa. Y lại lao đi.
*
Bây giờ thì Vũ hoảng loạn thật sự. Chiếc TZM lại đưa y tới đúng nơi y gây án. Xác bà lão lại vẫn nằm ở bên lề đường phân luồng. Y giờ không còn biết đến trời đất gì cả. Y dắt xe bỏ chạy. Y chạy như ma đuổi. Y khiến chiếc xe Benz phanh dúi phanh dụi. Gã lái xe thò cái mặt lưỡi cày ra :
- Đồ con lợn ! Muốn chết à ?
Y mặc. Y leo lên xe. Đạp cần khởi động. Tiếng máy nổ giòn. Cái gì ? Ôi chao, có tiếng động lạ lẫn cùng tiếng máy. Vũ thêm ga, tiếng động rõ hơn. Hình ảnh bà lão nằm ở rìa phân luồng. Trong tiếng máy, trời ơi, là tiếng rên rỉ ai oán. Rõ đến độ y cảm nhận được như có tiếng khoan máy xoáy vào tai. Lên tận óc. Buốt quá. Vũ giảm ga. Tiếng ai oán rên rỉ vẫn vang. Y lô`ng lên. Y ngắt máy. Y chạy vòng quanh xe. Y muốn gào lên nhưng cổ họng cứng ngắt. Y muốn vứt xe. Nhưng trong y còn tình yêu mãnh liệt với chiếc xe của mình. Y đành dắt xe. Chiếc xe cồng kềnh. Y lếch thếch. Khuôn mặt rúm ró. Hai bên thái dương nổi gân xanh và giật liên hồi. Y đi. Cắm đầu mà đi. Y không còn nhớ nổi mình đang đi nữa. Rồi mệt. Rồi mỏi. Hai chân của y như bị đôi tay ai đó nắm chặt. Giữ rịt lại. Tay y tê cứng. Tim đập loạn xạ.
Y gạt chân chống. Tay cuống cuồng tìm bao thuốc. Y châm lửa. Y bập môi vào. Rít đến teo cả đót. Tay y run lên. Đót thuốc nhăn nhúm. Đót thuốc bỏng giãy. Phù hết môi. Bỏng. Rát. Xót. Mặc. Y châm thêm điếu nữa. Hút. Bỗng :
- Hỏng xe à ?
Y giật thót mình. Tựa như bị cầm chân lăng xuống vực thẳm vậy. Y sững người. Cánh cổng mở. Ánh đèn hắt ra. Một người cảnh sát cao lớn án ngữ trước cửa. Y ngước mắt nhìn. Chiếc biển đỏ, chữ vàng. "Trụ sở công an phường". Y cứng lưỡi. Mặt y sạm lại. Người cảnh sát nói :
- Mang xe vào đây tôi sửa cho. Đêm rồi. Gần đây chẳng có cửa hàng sửa xe nào đâu.
Y không sao kìm được mình. Y làm như một con rối. Dắt xe vào. Người cảnh sát nói :
- Trước đây tôi cũng từng làm nghề sửa xe.
Y im lặng. Y muốn nói một điều gì đó nhưng không nói được. Người cảnh sát rót cho y chén nước. Y cầm. Và hoảng hốt ném chén. Trong chén vụn trà hình một bà lão. Người cảnh sát bảo :
- Ồ không sao, nóng quá phải không ?
Y gục gặc đầu. Người cảnh sát rót cho y cốc khác. Y không dám nhìn. Y đưa mắt đi chỗ khác. Mắt y chạm phải chiếc cùm chân bằng sắt dài theo chiếc ghế. Y lạnh thót sống lưng. Bỗng y nghe chiếc xe y nổ máy. Y thấy người cảnh sát đang vặn ga. Y chồm lên. Rồi đổ rũ xuống. Y hổn hển :
- Em xin nhận tội. Tối thứ sáu ngày 13 vừa qua, em đã gây tai nạn ở địa phận phường này.
Y nói xong. Tiếng xe của y không còn tiếng rên rỉ nào xen vào nữa.
Hôm đó là ngày 20. Vừa chẵn một tuần y gây tai nạn. Hôm sau ở mục An ninh trật tự của báo Hà Nội Mới người ta đọc thấy mấy dòng : Vũ Tuấn Anh 20 tuổi lái xe TZM quệt làm bị thương một bà cụ 69 tuổi trên đường cao tốc Thăng Long Nội Bài. Sau một tuần y đã thú nhận ở Công an phường. Bà cụ đã ra viện trước đó 6 ngày, không việc gì cả...
Hà Nội, 5-98
T.T.H
loventh
23-07-2007, 09:22 AM
Catty
"Trước mắt Trang là Catty. Catty đã trụi hết lông. Đôi mắt xanh lơ của nó bây giờ trắng **c. Hàm răng trố ra, sin sít và trắng ởn. Catty bị treo trên đòn ngang trong bếp. Ở dưới là một nồi nước sôi. Trang rú lên và ngất xỉu."
Trang yêu mèo từ bé. Có thể nói, với Trang, mèo còn đáng yêu hơn cả Hằng - bạn Trang. Trang có thể cả ngày ngồi trò chuyện với con mèo lông trắng muốt của mình trong khi với Hằng - Trang không thể làm được như vậy.
Trang đặt tên con mèo của mình là Catty.
Catty lông trắng muốt, mắt xanh lơ, mũi hồng hồng, trông rất đáng yêu. Trang thuê cả thợ mộc đóng hẳn một ngôi biệt thự một tầng bằng gỗ cho Catty ở. Ngôi biệt thự có tên là "House Catty" màu nâu bóng, cao đến mét rưỡi. Thậm chí Trang có thể chui được vào đấy cùng mèo Catty.
Tuy nhiên, cha của Trang lại chẳng ưa mèo một chút nào. Ông luôn đe "Nó mà phạm một lỗi nào là ba sẽ giết nó làm chả Tiểu Hổ ngay đấy!". Trang rất lo vì Trang biết cha cô chỉ nói một lần. Và đã nói thì sẽ làm. Hơn thế nữa, ông lúc nào cũng thèm ăn chả Tiểu Hổ hơn là nhìn Trang ôm Catty trong lòng.
Catty có vẻ hiểu điều đó. Và không bao giờ nó dám phạm lỗi.
Song có một lần...
*
Trang như có linh tính vậy, đang học nhiếp ảnh với thầy Phát ở trường thì Trang sốt ruột. Cô xin phép thầy về sớm. Bỏ cả Hằng ở đó. Trang phóng xe về. Con đường từ Mai Dịch về Trung Tự dài là thế Trang chỉ đi hết đúng có 15 phút.
Vừa về đến nhà, Trang tất tưởi chạy vụt vào biệt thự của Catty.
Cô gọi lớn : "Catty ! Catty !"
Nếu là ngày thường thì chắc chắn sẽ có một cái mũi hồng hồng nhô ra một cục bông trắng muốt sẽ xuất hiện. Nhưng lần này thì không. Trang oà khóc. Linh cảm cho thấy Catty có vấn đề. Trang lao sang phòng cha.
- Ba ! Catty của con...
Cha Trang đang ngồi đọc báo. Thấy Trang, ông bảo :
- Ở dưới bếp.
Trang lao xuống bếp.
Trước mắt Trang là Catty. Catty đã trụi hết lông. Đôi mắt xanh lơ của nó bây giờ trắng **c. Hàm răng trố ra, sin sít và trắng ởn. Catty bị treo trên đòn ngang trong bếp. Ở dưới là một nồi nước sôi. Trang rú lên và ngất xỉu.
*
- Tại sao ba ?
Vừa tỉnh dậy, Trang đã hỏi. Cha cô nhún vai :
- Nó ị bậy !
Trang kêu lên :
- Không thể, Catty biết ba ghét nó nên nó không bao giờ bậy bạ.
Cha của Trang :
- Không dài dòng ! Nó đã phạm lỗi, và ba làm như tất cả những gì ba đã nói.
Rồi ông bỏ ra ngoài. Còn mình Trang. Cô ôm gối và khóc. Cô đau khổ lắm. Catty ! Catty ơi !
*
Cha của Trang gọi :
- Trang ! Ra ăn cơm !
Trang đi ra. Cả cha và mẹ của Trang đều sửng sốt. Trang bò bằng hai chân và hai tay. Nhìn dáng đi của Trang y hệt mèo Catty khi còn sống. Tóc Trang bạc trắng. Mẹ Trang kinh hãi :
- Trang ! Con... con làm sao thế này ?
Trang ngước nhìn mẹ rồi kêu khe khẽ :
- Meo... eo...
Cha của Trang kéo tay Trang dậy. Ông quát :
- Mày làm cái trò gì thế ?
Trang cào mạnh vào tay cha mình và kêu :
- Nghoao... ào
Cha Trang rụt tay về. Trang bò rất nhanh, bỏ đi.
*
Ròng rã suốt bốn ngày, Trang như bị nhập hồn bởi mèo Catty. Nhìn tóc Trang bạc trắng, mũi hồng hồng, phập phồng và nói bằng tiếng kêu của mèo, mẹ Trang khóc sướt mướt. Bà bảo :
- Đấy ! Tại ông đó ! Ông giết con mèo của nó bây giờ hồn con mèo nhập vào xác con mình rồi. Ông hả lòng hả dạ chưa ?
Cha của Trang thở dài :
- Tội nghiệp ! Có lẽ con bé xúc động mạnh nên bị rối loạn tâm thần. Chốc nữ, bác sĩ Hoàng sẽ tới xem.
*
Bác sĩ Hoàng xem bệnh cho Trang rồi bảo :
- Thưa bác ! Tâm bệnh thì phải chữa bằng tâm lý. Em Trang bị rối loạn tâm thần, hoang tưởng cấp độ cao. Muốn chữa khỏi thì điều cần nhất là bác phải mua một con mèo giống hệt con mèo cũ về. Và quan trọng hơn nữa là căn bệnh này có thể tái phát nếu tình cảnh tương tự lại xảy ra. Có nghĩa là em Trang sẽ bị hoang tưởng cao hơn nữa nếu bác lần nữa giết con mèo của em ấy !
Cha của Trang gật đầu liên tục. Mẹ Trang thì xuýt xoa :
- Đấy ! Ông đã nghe thủng chưa ? Ông đi mua ngay một con mèo mới đi.
Cha của Trang vội vã đi ngay.
*
Trong một quán cà phê trên đường Cầu Giấy. Trang ngồi với một anh thanh niên. Cô đang ôm một con mèo lông trắng muốt.
- Cảm ơn anh Hoàng nhiều ! Nếu không nhờ có anh thì...
Người thanh niên mỉm cười :
- Có gì đâu ! Lúc xem bệnh, anh biết ngay là em giả bệnh. Lại nghe cha mẹ em kể, anh hiểu em đang muốn gì, và anh phán vậy thôi.
- Anh đúng là một bác sĩ tâm thần học.
- Nhưng có một điều mà anh vẫn thắc mắc là tại sao tóc em hôm ấy bác trắng. Còn hôm nay thì...
- Thì đẹp phải không ? Anh quên là em học ĐH Sân khấu điện ảnh sao ? Bộ tóc trắng lấy ở phòng đạo cụ ra thôi.
Cả hai cùng phá lên cười. Con mèo nhỏ trên tay Trang cũng kêu lên một tiếng. Nó cười theo thì phải.
H.A.T
[Mjn]_pờ_zô
23-07-2007, 09:27 AM
chuyện thì cũng nghe đc đóa à nhưng mà cách kể vắn tắt quá làm câu chuyện trợ nên dở, dù sao cũng thax bạn 1 cái :D
cái chuyện thứ 2 tôi nghĩ là chuyện hài đúng hok :) :)
loventh
23-07-2007, 03:57 PM
_pờ_zô;1229732']chuyện thì cũng nghe đc đóa à nhưng mà cách kể vắn tắt quá làm câu chuyện trợ nên dở, dù sao cũng thax bạn 1 cái :D
cái chuyện thứ 2 tôi nghĩ là chuyện hài đúng hok :) :)
Cũng không biết có phải chuyện hài không nữa. Vì tất cả những câu chuyện post trong Topic này *** là truyện "Giả kinh dị", mà truyện "Giả kinh dị" là cái gì thì tui cũng hông biết luôn ^^ Nhưng nói chung thì chủ đề của tập truyện là "Không có ma", nên ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Miễn đọc thấy cũng hay hay là được rồi ha ^^ Còn khoảng 4, 5 truyện nữa, chừng nào rảnh mình lại post tiếp ^^
loventh
23-07-2007, 04:12 PM
Chiếc máy ảnh kỳ dị
Truyện ngắn của Vàng Ngọc Sao
"Những vết sáng tụ lại trước cổng vào Bách Khoa. Nhìn kỹ thì đó là một vụ tai nạn. Bức ảnh đỏ quạch như lắp kính lọc đỏ vậy. Mà Khải thì không bao giờ sử dụng kính lọc."
(Tặng Đăng Khải)
Chiếc máy ảnh của Khải lại trục trặc ngay trong những ngày chuẩn bị thi như thế này khiến Khải lo sốt vó. Thực ra nếu muốn Khải vẫn có thể mượn máy ảnh của bạn bè được. Song Khải không muốn một chút nào. Chụp bằng máy của người khác thường ảnh sẽ kém độ tự nhiên. Khải chụp ảnh từ năm 13 tuổi tính ra tới nay cũng đã 8 năm rồi chứ ít ỏi gì, nên Khải rành về máy ảnh lắm. Biết vậy, Tú bên khoa Điện ảnh chỉ "Khải lên chùa Bộc hỏi ông Thụ có thể ông ấy chữa máy cho nhanh lắm!". Máy ảnh của Khải trục trặc về tốc độ. Để tốc độ B thường không được. Mà trong bài tập ảnh số 13 tới thứ 6 đã nộp lại phải có một ảnh chụp đêm. Hôm nay đã là thứ năm rồi còn gì. Khải cuống cuồng bỏ giờ Triết, lấy xe phi vội lên chùa Bộc.
Ông Thụ trạc 80 tuổi, tóc để dài chấm vai, trán vồ, mắt cú vọ, mũi diều hâu, răng thỏ. Hai cái răng cửa to bè và còn trắng toát.
Đó là hai cái răng còn lại duy nhất của cả hàm. Nói chung là nhìn ông rất cổ quái.
- Cậu tưởng chữa tốc độ máy là đơn giản lắm sao ? Bây giờ phải tháo rời ra, sửa mạch tốc độ. Nhanh nhất thì thứ bảy mới lấy được.
- Nhưng thứ sáu cháu đã phải nộp bài rồi.
- Tôi sẽ cho cậu mượn máy của tôi.
- Nhưng... mà thôi, thế cũng được vậy. Giờ này nước đến chân rồi không nhảy không xong.
*
Máy ảnh của ông Thụ cũng cổ quái như ông ta vậy. Đó là chiếc máy ảnh hiệu lạ hoắc "Ylamama" đời F4. Ông Thụ bảo :
- Đây là chiếc máy ảnh cổ bây giờ tìm mỏi mắt cũng không có đâu. Nikon và Canon luôn tự hào bởi ống kính các hãng đó xịn song gặp ống kính của "Ylamama" của tôi thì cũng bằng thua thôi.
Ống kính "Ylamama" tiêu cự f: 135mm liền luôn với thân máy như máy điện tử song nó có telezoom. Độ mở cũng rộng. Khẩu độ lớn nhất là 28. Tốc độ máy lên tới 1/5000 giây. Thân và ống như mạ bạc. Máy hơi nhỏ như loại "Yachica", "Olimpus" và nhẹ.
Khải không còn cách nào khác là cầm máy về để đi chụp.
*
Bài tập số 13, thứ sáu phải nộp và thuyết trình với thầy Lâm dạy môn Nhiếp ảnh ở lớp coi như là bài thi học kỳ. Trong 5 bức ảnh của bài tập thì 1 là chân dung, 1 là kiến thức, 1 là nội thất, 1 là sinh hoạt và 1 là tự do.
Bức tự do phải chụp đêm.
Khải long rong xe trên đường. Bấm máy liên tục. Khi thì một đứa bé trai đang tắm, lúc thì một phụ nữ đan ***g chim. Trời hôm nay nắng đẹp. Điều ấy càng khiến cho Khải mê mải hơn, say hơn với tiếng cò của máy kêu. Nhất là máy này, nghe tiếng nổ khi bấm cò sướng tai lắm. Nghe giòn và đanh chứ không khô như "Practica", "Yachica"... Nikon và Canon cũng từng nổi tiếng về tiếng nổ khi bấm cò song xét với "Ylamama" thì không thể so được.
Khải đứng sững lại khi thấy chiếc xích lô đang dần tiến lại ngã tư Nguyễn Hữu Huân, Lò Sũ. Những khoang nắng toả trên mặt đường. Khải vội vã chống xe, Khải chạy như bay lên quán Flagon. Lên tầng 3, chĩa máy xuống. Vừa lúc chiếc xích lô đi vào khuôn hình. Khải bấm. Chưa lên cò. Khải bực bội, lên cò. Nhưng không còn cảnh đó nữa rồi. Chiếc xích lô đã đi qua khoảng nắng. Khải dậm chân thình thịch mà chiếc. Không tiếc sao được. Đây là cảnh thứ 3 Khải bỏ lỡ trong buổi chụp hôm nay. Tất cả chỉ vì quên chưa lên cò. 2 cái trước 1 là ở phủ Tây Hồ, Khải định chụp một cô gái tóc chấm vai, mắt tròn to, lông mi cong vút đang chắp tay khấn. Khi đó các khoảng nắng đang dàn trải một cách có chủ ý. Lên được ven mặt và hiệu quả khói hương nghi ngút. Cái ảnh đó là cái ảnh chân dung thì tuyệt vời. Lúc Khải muốn sắp đặt để chụp lại thì cô gái đã từ chối. Cô bảo : "Xin lỗi anh, để hôm khác. Hôm nay giỗ đầu người bạn trai của em cho nên em không thể...". Khải cũng xin lỗi cô ta và xin được thắp một nén nhang cho bạn trai của cô.
Nhìn tấm ảnh bạn trai của cô được đưa vào thờ trong phủ, Khải khẽ buồn. Anh ta trạc tuổi Khải, tóc rẽ ngôi giữa, mặt lớn, mũi hơn khoằm, môi đậm. Khải cảm thấy có cảm tình ngay với người trong ảnh. Còn bức thứ 2 mà làm Khải cũng tiếc hùi hụi đó là bức ảnh chụp kiến trúc Nhà Hát lớn qua gương phản chiếu khi có một người đàn ông chở tấm gương lớn đi qua. Ý đồ chụp của Khải là chụp một người đàn ông đạp xe chở cả Nhà Hát lớn đằng sau. Dĩ nhiên cái Nhà Hát lớn ấy là qua gương. Song cũng không kịp. Khải quên chưa lên phim.
Tối. Khải lên tầng 5 khu giảng đường Bách Khoa.
Đặt chân máy. Cho máy úp. Để tốc độ B chụp đường Đại Cồ Việt lấy những dải sáng của đèn đường và đèn xe qua lại. Khải đếm đền 30 rồi bấm. Lại quên chưa lên phim. Khải bực dọc. Khải lên lại phim định chụp. Song lại thấy chán bởi bức ảnh đó nếu chụp chẳng đưa ra một ý gì ngoài những vệt sáng kéo dài. Quá cũ rồi. Nên thôi. Khải đi tìm cái khác để chụp.
Ban nãy cũng thế. Khải cũng nhớ là quên lên phim mà không chụp cảnh nội thất ở nhà đứa bạn. Khải định chụp cầu thang xoáy trôn ốc nhà nó bởi nắng từ những ô cửa sổ lên cầu thang hắt xuống đã tạo thành những mảng mang tính nhịp điệu và đường nét. Sau lại chẳng thấy đẹp gì, Khải lại thôi.
Đêm rồi. Phim cũng đã hết. Khải về. Vào ngay buồng tối. Tráng rồi soi trên máy phóng. Điều bất ngờ gây cho Khải cảm giác bực phát điên đó là chỉ có 5 cái ảnh. Còn 31 kiểu kia đều trắng xoá như kiểu chụp thiếu ánh sáng vậy. Chỉ lên rất mờ. Khải nằm vật ra. Chẳng buồn soi phim nữa.
*
Mới 4 giờ sáng Khải đã tỉnh ngủ. Sự ám ảnh về bài thi phải nộp hôm nay lại càng khiến Khải bực bội và lo lắng. Nhìn cuốn phim, Khải thở dài não ruột. Khải soi qua máy phóng và xem 5 kiểu đó - 5 kiểu đạt trong cuốn phim hôm qua. Và Khải kinh hoàng nhận ra 5 kiểu đó đều là 5 kiểu mà Khải đã chụp nhưng quên chưa lên phim. Khải tự hỏi "Liệu có phải máy này chụp không cần lên phim ?".
Khải vội vàng phóng 5 bức ra. Cho vào thuốc hiện rồi cho vào thuốc hãm. Rồi sấy khô cho ảnh.
Bức thứ nhất lại chính là bức ở phủ Tây Hồ. Cô gái đang chắp tay khấn. Cái gì thế này, Khải rụng rời chân tay khi nhận ra kề bên cô gái là một người con trai. Anh ta đang nhìn đăm đăm cô gái. Đúng là anh ta rồi. Người bạn trai đã mất của cô gái. Khải lạnh hết sống lưng, lật ngay tấm thứ hai. Nhà Hát lớn. Cũng không loại trừ sự kinh hoàng. Đó là Nhà Hát lớn của ngày xưa. Người đàn ông đèo tấm gương lớn vẫn vậy nhưng Nhà Hát thì trông cổ kính lắm. Khải đã được xem ảnh tư liệu về Nhà Hát lớn năm 1945 khi tổ chức cuộc mít tinh khởi nghĩa 19-8, Nhà Hát lớn trong ảnh y hết. Bức thứ 3 chiếc xích lô. Một người phụ nữ ngồi trên xích lô mặc chiếc áo dài như các phụ nữ năm 30. Người phụ nữ ấy giơ tay chào tựa như bà ta biết Khải chụp. Mà trước đó, chiếc xích lô làm gì có người nào khác ngoài ông đạp xích lô. Bức thứ 4 kinh hãi hơn. Cầu thang xoáy trôn ốc nhà thằng bạn. Một người phụ nữ đang ngồi đó. Bà đang vá áo. Ánh sáng chiếu vào tạo ven. Khải nhìn kỹ và nhận ra đó là mẹ của thằng bạn. Bà đã mất cách đây hơn bốn năm. Còn bức cuối cùng đường Đại Cồ Việt. Những vết sáng tụ lại trước cổng và Bách Khoa. Nhìn kỹ thì đó là một vụ tai nạn. Bức ảnh đỏ quạch như lắp kính lọc đỏ vậy. Mà Khải thì không bao giờ sử dụng kính lọc.
*
Thầy Lâm xem ảnh của Khải và nói :
- Ảnh chụp tuyệt lắm Khải ạ ! Bức ảnh như biết nói vậy. Tôi dạy Nhiếp ảnh nhiều năm bây giờ mới có được một cậu học trò tuyệt như vậy.
Khải đang hoang mang. Suốt từ lúc phóng ảnh ra, đến bây giờ, Khải cứ như kẻ tâm thần vậy. 5 tấm ảnh ?
Khải nói với bạn bè khi sáng vào trường, bạn bè bảo Khải cứ đùa. Tú nói "Hay Khải đọc truyện ma của em nhiều đâm hoang tưởng". Khải chẳng muốn nói với ai nữa.
*
Tối. Khải phi xe qua đường Đại Cồ Việt. Khải kinh hãi tột độ khi nhận ra, một vụ tai nạn. Y hệt trong tấm ảnh thứ 5.
*
Khải mang máy đến. Đưa cho ông Thụ. Khải nói :
- Máy ảnh của bác...
Ông Thụ cười :
- Tôi đi chụp từ ngày bé, cùng lứa với Khưu Từ Chấn, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Cao Đàm, Lê Anh Tài... Nhưng ảnh của tôi không như ảnh của họ. Tôi quan niệm nhiếp ảnh là sự ghi chép thời gian. Các cậu còn trẻ, đi chụp ảnh chỉ lúc nào cũng muốn ghi hình là chính. Các cậu quên mất rằng mục đích của nhiếp ảnh là ghi lại những khoảng khắc thời gian đáng ghi. Đó là lí do vì sao Võ Anh Ninh nổi tiếng đến vậy. Dĩ nhiên, nhiếp ảnh cũng rất đòi hỏi sự đẹp. Nhưng đẹp mà không biết nói thì khác gì một cô gái có sắc đẹp nhưng mất nết đâu.
Khải cảm ơn ông Thụ rồi khắc cốt ghi tâm điều ấy...
Flagon 17-1-1999
V.N.S
loventh
23-07-2007, 04:25 PM
Cú điện thoại
Truyện ngắn của Đỗ Hoàng Ngọc Anh
"Anh tưởng anh đang nghe điện thoại đấy à ? Em đang nói chuyện với anh bằng thần giao cách cảm đấy, không tin anh cứ thử dập máy xuống mà xem..."
Tôi đang ngồi viết thì chuông điện thoại reo vang. Lúc này đã gần 12 giờ đêm, rất có thể là một anh chàng người Mỹ nào đó hứng chí gọi sang Việt Nam, và chẳng may nhầm vào số của tôi. Tôi nhấc ống nghe, và trả lời không mấy thiện cảm :
- A lô, cảnh sát hình sự số 7 Thiền Quang xin nghe !
Nếu người gọi là bạn bè tôi, ắt hẳn chúng sẽ nhận ra giọng và cái cách đùa "đáng yêu" của tôi mà nói chuyện tiếp. Còn nếu không, thì xin cứ việc "Xin lỗi vì đã gọi nhầm số" rồi gác máy hoặc ngồi lo ngay ngáy cho đến sáng vì cứ tưởng đã trêu nhầm vào dân hình sự.
Trái với dự đoán của tôi, chẳng phải một thằng cha bên Mỹ gọi về, không phải là một thằng bạn thân hay một thằng trẻ con nhà mới lắp điện thoại mà là một giọng nữ. Xưa nay tôi giao thiệp với phái nữ không nhiều lắm nên nghe giọng con gái là tôi nhớ ngay ra tên. Nhưng cái giọng trong điện thoại này thì quả thực là tôi mới nghe lần đầu. Lạ một nỗi, cô ta nhận ra ngay giọng tôi, và gọi tên tôi một cách khá âu yếm.
- Anh Hưng phải không ? Chán viết báo rồi, nên mới chuyển qua làm cảnh sát hình sự à ?
Tôi im lặng một lúc, rồi cũng trả lời :
- Phải, Hưng đây, nhưng mà... em là ai đấy ? Xin lỗi nhé, nghe giọng lạ quá.
- Chắc anh chẳng nhớ nổi em đâu. Mà này, anh đang viết truyện ma phải không ?
Tôi giật mình. Quả thực trên mặt bàn tôi lúc này là bản thảo một câu chuyện Liêu Trai, mà tôi mới viết được gần nửa. Cô gái không quen kia là ai, sao mà lại biết được tôi đang làm gì. Chắc độ này tôi mới đổi sang viết truyện ma, nên ai cũng nghĩ rằng lúc nào tôi cũng viết truyện ma. Rất có thể cô gái chỉ đoán bừa, trấn tĩnh lại, tôi nói :
- Không, anh đang chuẩn bị đi ngủ, hôm nay không có hứng, chẳng viết lách gì được cả.
Giọng cô gái có vẻ dỗi :
- Anh nói dối em. Rõ ràng là anh đang viết truyện ma. Mà sao anh không nhận ra em hả ? Vừa mới gặp nhau thôi mà !
Tôi ậm ừ, trong lòng đầy thắc mắc. Đã hai hôm nay, tôi ngồi lì ở nhà. Một phần vì ngại trời mưa không muốn ra khỏi nhà, một phần khác, còn quan trọng hơn gấp bội, là vì tiền trong túi tôi đã hết sạch. Đã hai hôm, đến bạn trai tôi còn không gặp, nữa là bạn gái. Rõ ràng cô gái này nói dối tôi. Đang định mắng lại cho cô ta bẽ mặt, chợt cô gái lại lên tiếng :
- Thôi, anh đã muốn quên em thì thôi vậy, em cũng chẳng muốn nhắc tên cho anh làm gì. Có gì tối mai em sẽ gọi cho anh... Anh nhớ chờ tới giờ này nhé !
Tôi vẫn chưa nói được tiếng nào thì ở đầu dây bên kia đã cúp máy, chẳng thèm chờ tôi trả lời hay chào lại một tiếng cho phải phép. Bực mình, tôi dập mạnh ống nghe.
Lời cô gái ám ảnh tôi cho tới khi tôi vào giấc ngủ. Tới tận tối hôm sau, tôi vẫn cứ bị cái cuộc hẹn oái oăm kia nhắc nhở trong từng phút.
Buổi tối trôi qua thật chậm chạp vô cùng. Tôi không việt truyện nữa, mà ngồi nhìn đồng hồ. Nhìn chán, tôi lôi giấy ra gấp.
Khi trên bàn đã đủ 5 con chim và 2 cái thuyền thì chuông điện thoại lại reo vang. Nhấc vội ống nghe, tôi phát ra một cái giọng chuẩn nhất mà tôi có thể :
- Hello ! John Cornor’s listening !
Đúng như tôi dự đoán, cái giọng hôm qua lại cất lên, rõ mồn một.
- Anh Hưng giỏi tiếng Anh nhỉ, bao giờ dạy kèm em nhé ! Nhưng mà đừng có lấy tiền đấy ! Mà này, sao hôm nay anh không viết tiếp truyện đi, đang đến đoạn hay mà !
Đến nước này thì tôi không chịu được nữa, bèn hỏi thẳng :
- Xin lỗi, anh thực sự không nhận ra em là ai, mà làm sao em lại biết hết mọi việc xảy ra trong phòng anh thế ?
- Anh quên nhanh thế, anh vừa mới giết chết em tối hôm qua mà !
Tôi sửng sốt :
- Cái gì ? Em nói cái gì ? Ai giết ai ?
Chợt cô gái đổi tông, chất giọng chùng chùng :
- Em tên là Thủy, là nhân vật trong truyện ngắn của anh ý, em là ma đấy !
Cô gái xưng nhẹ như không. Cô ta làm như tôi là một đứa trẻ con dễ lừa. Quả thực, trong truyện ngắn tôi thường lấy tên nhân vật chính là Thủy, để kỉ niệm cho một bà chị của tôi. Chắc cô gái này là độc giả thường xuyên của tôi và giờ muốn trêu tôi chút đỉnh. Nghĩ vậy, tôi nói :
- Ừ được rồi, cứ coi như em là Thủy đi...
- Vâng ạ !
- Thế thì, nếu đã là ma, làm sao em gọi điện được ?
Giọng cô gái trở nên ấm áp hơn bao giờ hết :
- Anh tưởng anh đang nghe điện thoại đấy à ? Em đang nói chuyện với anh bằng thần giao cách cảm đấy, không tin anh cứ thử dập máy xuống mà xem...
Tôi nhíu mày, định làm như lời cô gái chỉ dẫn. Cánh tay cầm ống nghe đưa ra khỏi tai lại dùng dằng. Chợt trong ống nghe vang lên điệu cười nhí nhảnh :
- Xin tự giới thiệu, em tên là Liên, là hàng xóm mới của anh. Cửa phòng em cách phòng anh 4m và em có chiếc ống nhòm. Thôi em gác máy đây. Xin lỗi đã làm phiền anh.
Đầu dây bên kia đặt máy. Tôi sững sờ làm theo, ngước mắt nhìn lên. Đối diện với tôi, sau 2 lớp chấn song và một lớp kính cách âm có một bàn tay đang vẫy...
Đ.H.N.A
loventh
25-07-2007, 05:28 PM
Người đợi người
Truyện ngắn của Trần Tử Hạ
"- Khi ta yêu và được yêu thì lại làm khổ nhau bởi những giận hờn, cố chấp, và trách cứ nhau hoài. Đến khi xa rồi mới hiểu thì đã muộn. Những ngày yêu thương đã không bao giờ quay lại."
Đỗ Hoàng Anh có thói quen uống cà phê đêm. Đỗ cho rằng đời Đỗ cái khoái nhất đó là chôn mình trong bóng đèn vàng vọt nơi góc quán, nghe nhạc dây violon không lời, ngắm sự quạnh quẽ của đêm trên các đường phố Hà Nội và uống một tách cà phê.
Hôm nào cũng như hôm nào, tầm 10h30', Đỗ dắt xe ra, phi tới quán quen và ngiồ đó đến tầm 1h-2h sáng. Rồi về. Đỗ là sinh viên. Đỗ học chiều. Cho nên Đỗ có thể dậy muộn.
Có hôm Đỗ tới quán. Hôm đó là ngày thượng tuần. Trăng mỏng như lá liễu. Đỗ bắt gặp một người con gái ngồi chênh chếch phía cây chuối rừng tay phải nơi Đỗ ngồi. Cô ta ngồi một mình. Ánh đèn vàng vọt của quán khiến mặt cô ta bềnh bệch. Đỗ cảm thấy hơi lành lạnh.
Cô ta ngồi thi gan cùng Đỗ. 11 giờ...
12 giờ...
1 giờ...
Đỗ lấy làm lạ. Tiến tới.
- Xin lỗi có làm phiền cô không ?
Cô gái quay lại. Nhìn xoáy vào mắt Đỗ. Bất giác, Đỗ cảm thấy bủn rủn chân tay.
Đỗ gục đầu và quay về ghế của mình. Những câu hỏi nối tiếp nhau chạy trong đầu Đỗ.
Hôm sau Đỗ tới quán. Lại gặp cô gái ấy vẫn ngồi. Đúng chỗ hôm qua. Và chẳng có một thứ nước nào trên tay cả. Đỗ lấy làm lạ lắm. Định tò mò hỏi chủ quán. Nhưng xét thấy không tiện. Lại thôi. Đỗ đoán chắc là cô gái thất tình hoặc giả như...
Hôm sau nữa lại thế. Đỗ thu hết can đảm :
- Xin lỗi tính tôi tò mò...
Cô gái khẽ cau mày. Soi Đỗ từ đầu tới chân.
- Đây là lần thứ hai. Anh lại định hỏi giờ phải không ?
Đỗ lắc đầu.
- Tôi muốn làm quen với cô.
- Vì sao ? - Cô gái hất hàm.
- Tôi cũng chẳng biết nữa - Đỗ nhún vai.
Cô gái nói :
- Tôi ngồi chờ người yêu tôi.
Đỗ :
- Người yêu cô ?
Cô gái :
- Vâng ! - Và giọng xa vắng - Anh ấy nhất định sẽ tới.
Đỗ cắn môi lựa chọn lời. Rồi :
- Tôi tin cô sẽ gặp được.
Cô gái cười nhẹ :
- Không biết nữa !
Cô gái tên là Tiểu Nhu. Cô đợi người yêu. Lạ lùng là họ không hề hẹn. Quán cà phê này là nơi họ đến với nhau ngày trước. Bây giờ người yêu cô ở đâu ? Sao không tới ? Đỗ tự hỏi và cảm thương cho tình yêu mù quáng của cô gái tên Tiểu Nhu kia. Đồng thời Đỗ thấy ghét - chính xác là tức giận với gã người yêu của Tiểu Nhu.
Đỗ và Tiểu Nhu quen nhau từ ngày đấy. Hai người mỗi tối lại ngồi bàn luận với nhau về cuộc sống - con người, tâm đắc lắm.
Đỗ bảo :
- Nếu không ngại, Tiểu Nhu ạ ! Tôi với cô có thể đi dạo phố không ?
Cô gái lắc đầu :
- Tôi sợ anh ấy sẽ đến trong lúc chúng ta đang đi dạo phố. Tôi phải đợi.
Đỗ bực bội :
- Đợi khỉ gì nữa, hôm nay là ngày thứ 10 rồi cô đã đợi. Hắn không tới đâu. Cô đừng quá phí công sức như thế chứ ! Tiểu Nhu !
Cô gái trợn mắt nhìn Đỗ :
- Nếu anh còn nói nữa, tôi sẽ không trò chuyện với anh.
Đỗ thở dài một lúc. Hỏi :
- Cô có uống gì không ? Tiểu Nhu.
Cô gái lắc đầu. Đỗ lại bảo :
- Ăn cùng tôi một cái bánh nhé ! Tiểu Nhu.
Cô gái lắc đầu. Đỗ vẫn lớn tiếng gọi :
- Chủ quán, cho cái bánh cuộn ! Và hai cái đĩa.
Chủ quán mang ra cái bánh cuộn và hai cái đĩa. Đỗ bảo :
- Cô cầm lấy một cái đi. Nể tôi một chút, Tiểu Nhu.
Chủ quán vẫn đứng đấy. Nhìn chăm chăm vào Đỗ, ánh mắt rất nghi ngờ. Đỗ ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt đó. Đỗ bảo :
- Chúng tôi trong sáng. Là bạn bè chứ chẳng là gì đâu. Chị đừng nghi linh tinh.
Chủ quán lùi lại vài bước, lắp bắp :
- Vâng, tôi không nghĩ linh tinh. Các anh cứ ăn uống tự nhiên. Trong sáng, phải các anh rất trong sáng.
Đỗ nhún vai chỉ vào cô gái :
- Đây là con gái chứ không phải con trai đâu.
Chủ quán gật gật cái đầu.
- Vâng ! Con gái ! Con gái...
Rồi chạy một mạch vào quầy.
Đỗ nhún vai :
- Bà chủ quán này mắt có vấn đề. Nhìn cô thế này mà dám nói là con trai.
Cô gái bảo :
- Sau này anh sẽ hiểu ý của chủ quán vừa nói.
Đỗ lấy làm lạ.
- Tại sao lại là sau này ?
Cô gái im lặng mắt dõi về phía xa, rất xa. Đỗ không hỏi nữa. Đỗ ngồi im nhìn những giọt cà phê nhiễu xuống từ chiếc phin, tooc... tooc... tooc...
Hôm nay Đỗ tới quán với một bông hồng trong chiếc ba lô. Đỗ muốn nói một cái gì đó, muốn làm một cái gì đó. Cô gái mang tên Tiểu Nhu, phải, Đỗ cảm thấy mình cần. Đỗ ngồi chờ từ lúc 9 giờ tối.
Tính đến hôm nay là một tháng hơn, chính xác là 49 ngày, kể từ hôm Đỗ nhìn thấy cô gái lần đầu tiên. 49 ngày. Đã đủ để Đỗ nói lời ấy với cô gái chưa ?
Đỗ bỗng cảm thấy bồn chồn. Nhìn đồng hồ dạ quang, đã 12 giờ rồi, Tiểu Nhu vẫn chưa tới. Đỗ thở dài. Không lẽ vô duyên đến mức thế sao ? Đúng là Đỗ muốn nói với Tiểu Nhu thì...
Quán vắng. Chỉ có Đỗ và một gã trai. Đỗ nhớ Tiểu Nhu. Đôi mắt Tiểu Nhu buồn. Đôi mắt ấy lúc nào cũng ươn ướt. Tóc dài và rất mượt. Khuôn mặt bầu bĩnh, sống mũi cao, môi mỏng mịn. Hai khoé môi trễ xuống như hờn dỗi, như muốn phiền lại như cam chịu. Đỗ nhớ.
- Xin lỗi có làm phiền anh không ?
Đỗ ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt người con trai.
Người con trai gục gặc đầu và quay về ghế của mình. Đỗ cảm thấy hơi bực. Đỗ đang đợi Tiểu Nhu. Đỗ bực khi có kẻ phá vỡ khoảng không gian suy nghĩ của Đỗ.
Được một lát người con trai lại :
- Xin lỗi tính tôi tò mò.
Đỗ nhìn từ đầu đến chân người con trai. Đầu húi cua, khuôn mặt chữ điền, râu ria lởm chởm nhưng ăn mặc rất lịch sự. Đỗ nói :
- Đây là lần thứ hai. Anh lại định hỏi giờ phải không ?
Người con trai :
- Tôi, tôi buồn quá ! Tôi muốn được tâm sự với ai đó.
Đỗ :
- Vì sao anh chọn tôi ?
Người con trai :
- Nếu tôi phán đoán không lầm thì anh đang đợi một ai đó.
Đỗ :
- Phải ! Tôi đợi... người yêu tôi. Nhưng nó liên quan gì đến anh ?
Người con trai thở dài :
- Tôi cũng có một người yêu. Tôi đã từng như anh ngồi chờ đợi. Tôi biết cái cảm giác bây giờ của anh. Và tôi giờ đây đang mong muốn có được cái cảm giác đó khi ngồi nói chuyện với anh. Bởi tôi giờ đây muốn cũng không thể đợi chờ ai được. Người yêu tôi đã đi xa...
Đỗ cảm thấy có một cái gì đó lờ mờ trong suy nghĩ. Người con trai tiếp :
- Khi ta yêu và được yêu thì lại làm khổ nhau bởi những giận hờn, cố chấp, và trách cứ nhau hoài. Đến khi xa rồi mới hiểu thì đã muộn. Những ngày yêu thương đã không bao giờ quay lại. Tiểu Nhu của tôi, anh biết không, Tiểu Nhu của tôi... đã...
Và người con trai gục đầu xuống bàn tay. Vai anh ta rung lên. Anh ta khóc. Đỗ sững người.
- Xin lỗi, tôi hơi tò mò - Đỗ nói - Tiểu Nhu anh vừa nhắc có phải cô gái tóc dài, có đôi mắt buồn lúc nào cũng ươn ướt, sống mũi cao, môi mỏng mịn...
Người con trai vùng dậy.
- Anh biết Tiểu Nhu của tôi ?
Đỗ thấy lòng mình sụp đổ một cái gì đó. Đỗ tựa cả người vào chiếc ba lô. Đỗ nặng tới bảy mươi cân. Bông hồng có lẽ đã nát. Đỗ nói :
- Cô ta cũng ngồi đây, chờ anh suốt hơn một tháng qua.
Chàng trai mặt bệch ra, tái mét líu lưỡi :
- Không thể thế được ! Tiểu Nhu đã... đã mất cách đây bốn mươi chín ngày rồi. Hôm nay là lễ bốn mươi chín ngày của Tiểu Nhu.
Có một cái gai hồng xuyên qua ba lô đâm vào lưng Đỗ. Người con trai lại khóc. Đỗ lắc đầu :
- Không thể thế được. Cô ấy ngồi nói chuyện với tôi suốt bốn mươi chín ngày qua kia mà. Chị chủ quán, phải rồi, chị chủ quán biết đấy.
Đỗ gọi chị chủ quán và :
- Chị có thể nói cho anh này biết suốt những ngày qua, tôi với một cô gái đã ngồi ở quán chị không ?
Chị chủ quán nhìn người con trai rồi nói :
- Anh là bạn cậu này phải không ? (chỉ vào Đỗ) Anh nên đưa bạn mình đi khám đi. Cậu ta bị mộng du thì phải. Toàn nói chuyện một mình và...
Đỗ gào lên :
- Không phải ! Tôi không ngồi một mình. Tôi ngồi với Tiểu Nhu.
Lại một chiếc gai hồng đâm lún vào da thịt Đỗ.
T.T.H
Hình như post truyện này không ai thèm coi nhỉ. Còn khoảng 2, 3 truyện nữa cơ. Đang tích cực gõ để bổ sung cho bà con xem. Nhưng xem ra không ai thích thì... nản quá, không muốn post nữa. Chắc thôi vậy T_T